Khám phá suối Tà Rục – Cam Lâm

Một ngày cuối hạ, đầu thu 2011, chúng tôi làm một chuyến thám hiểm vùng rừng núi Cam Lâm thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Cam Lâm là vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp, phía bắc giáp với TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh, phía Nam giáp với TP. Cam Ranh, phía tây giáp với Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía Đông giáp với biển Đông. Cam Lâm có tổng cộng 14 đơn vị hành chính phụ thuộc bao gồm 13 xã (Cam Tân, Cam Hòa, Sơn Tân, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây, Cam Hải Đông : Suối Tân, Suối Cát) và 1 thị trấn (Cam Đức).

Ở huyện Cam Lâm có núi Diễn Sơn, xưa nổi tiếng rất nhiều cọp, lại ở gần đường cái nên ngày xưa khách bộ hành thường gặp tai nạn bị cọp vồ. Người ta kể lại rằng, ngày xưa ở núi này có một con cọp đầu đàn, sống trên trăm năm. Nó chỉ có ba chân lành, còn chân trước bị què, nhưng khỏe mạnh hung dữ vô cùng. Cọp hay xuống các làng quanh vùng bắt người và súc vật, gây sự lo sợ hoang mang cho dân chúng. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” của Sử quán triều Nguyễn, năm Đinh Tỵ (1797) quan Trấn thủ Thành Diên Khánh là Nguyễn Văn Thành mật cầu với Bà Chúa Ngọc (tức Thiên Y Thánh Mẫu), xin Bà giúp trừ nạn cọp để tránh mối họa cho lương dân thì sẽ lập đền thờ phụng. Quả nhiên vài ngày sau quan quân bắt giết được con mãnh hổ. Từ đó người dân quanh vùng được sống yên ổn, không còn sợ nạn cọp vồ nữa. Quan Trấn thủ bèn lập đền thờ Bà Thiên Y dưới chân núi, gần ga Cây Cầy, gọi là đền Diễn Sơn. Ngày xưa, hàng năm quan đầu tỉnh phải sửa lễ tới đó cúng tế rất trang nghiêm. (sưu tầm)

Đó là những câu chuyện ngày xưa gắn liền với giai thoại “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, giờ đây cọp đã bị trừ khử và phải rút sâu vào những vùng rừng núi hiểm trở ít người qua lại để tự bảo vệ mình. Thời nhà Nguyễn, muốn trừ cọp, người ta phải dùng bẫy, dùng giáo mác, cung tên, dùng các loại súng thô sơ do Pháp cung cấp nên tỉ lệ thắng lợi chỉ là 50/50. Cũng nhiều người võ nghệ cao cường, thân thủ phi phàm có thể đánh cọp bằng gậy bằng roi…Tuy nhiên, đó cũng chỉ là truyền thuyết, số lượng cũng không phải nhiều lắm cho nên người dân đi qua những vùng rừng núi heo hút cũng rất lo sợ.

Sau này súng đạn cũng hiện đại hơn nhiều nên nếu có cọp thì cũng khó lòng sống sót. Vùng núi rừng Cam Lâm giờ đây hoàn toàn yên tâm cho loại hình du lịch dã ngoại và khám phá thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, một lời khuyên chân thành “không nên ở lại rừng vào ban đêm”. Ở rừng, không phải chỉ có cọp mới là sinh vật nguy hiểm, rắn, rít, bọ cạp, đỉa, vắt..thậm chí những khe nước nhỏ sâu hoắm, chảy siết, những đàn kiến lửa hàng ngàn con hành quân rầm rập như quân đội qua cả thác nước cuồn cuộn cũng là những mối nguy hiểm tiềm tàng cho những chàng trai cô gái thành thị thích cảm giác “phượt”.

Đoàn chúng tôi có 14 người, 8 nam 5 nữ và một em bé hồ hởi nhưng thận trọng chuẩn bị mọi hành trang cần thiết cho một chuyến phượt vào địa phận thác nước Tà Rục thuộc huyện Cam Lâm. Thực sự mà nói thác Tà Rục rất đẹp, nó dài chắc phải mấy cây số. Nếu cứ ngược dòng suối bám theo vách đá mà đi chắc phải cả ngày mới đến được ngọn thác. Nước cứ chảy suốt năm tháng, không kể là mùa mưa hay mùa nắng. Tất nhiên, những ngày mùa mưa thì dòng nước mạnh mẽ hơn và nguy hiểm hơn. Cần phải có thổ địa đi cùng để hướng dẫn.

Vượt suối

Gửi xe máy ở nhà dân, chúng tôi chỉnh trang lại hành lý thật gọn gàng rồi lên đường. Trong đoàn hộ tống có 2 tay là thiện xạ (bắn súng 9kg chính xác mục tiêu bẳng đầu ngón tay út ở cự ly 30m), một thổ địa khác thì thành thạo từng đường ngang ngõ tắt trong rừng và cũng giỏi nghề nấu nướng các món ăn dân dã. Một anh trong đoàn là võ sư Aikido, bản thân tôi cũng có chút ít kinh nghiệm “chinh chiến”, số còn lại thì có 2 người đã từng tham gia những chuyến vượt rừng núi với tôi năm ngoái, những người còn thì mới “tham chiến” lần đầu với tôi trong đợt này.

Chỉ mất hơn 20 phút luồn lách qua một mảng rừng rậm rịt, chúng tôi đã nghe tiếng nước chảy ầm ầm. Sau đó là con suối lớn dần hiện ra lấp ló sau những rặng cây. Thêm khoảng 15 phút lội bộ nữa, chúng tôi tiếp cận được con suối.

Suối ở đây chảy siết, khoảng cách từ bờ bên này đến bờ bên kia khá rộng nhưng có thể cẩn thận vượt qua được do có rất nhiều tảng đá lớn nổi lên. Tuy nhiên, cách vách đá đều có rêu trơn trượt rất nguy hiểm, rất dễ bị trượt chân. Thực ra lý thuyết có rất nhiều cách để vượt qua suối 1 cách an toàn, nhưng cũng tùy từng tình huống mà áp dụng. Với địa hình ở suối Tà Rục, chúng tôi lần lượt vượt qua từng đoạn với những kỹ thuật khác nhau, đoạn ngắn thì có thể nhảy qua, đoạn nước chảy siết thì người có kinh nghiệm qua trước rồi đỡ tay cho những người còn lại, có đoạn phải dùng cây làm cầu vượt tạm, có đoạn phải bám dây leo mà vượt qua. Có những đoạn nước chảy siết phải lội hẳn xuống suối, vừa dò dẫm cho khỏi trượt chân vừa bám vịn để vượt qua nhanh chóng. Những đoạn nào có thể vứt đồ sang trước thì tranh thủ ném đồ đạc sang rồi mới cho người không sang. Bản thân tôi, một bên thì đeo con Nikon D90, một tay thì cầm máy quay HD sony, lưng thì đeo balo, chân đi dép cao su, mặc quần short áo thun ngắn tay, mỗi lần qua suối cũng phải hết sức cẩn thận. Chỉ cần một sai sót nhỏ là tiêu tan sự nghiệp…phó nhòm.

Chúng tôi cứ thế lần mò ngược lên thượng nguồn của suối Tà Rục, 2 bên là rừng rậm bao bọc lấy con suối chảy siết. Người nào cũng vác trên vai 1 cái balo nhỏ gọn, thanh niên thì có người vác thêm thùng bia, có người thì vác thêm bình nước suối lớn, thức ăn, có người cầm súng tranh thủ kiếm chác vài con chim rừng. Cũng phải phân công vài anh hỗ trợ các cô gái thành thị chân yếu tay mềm nữa.

Đoàn đang di chuyển, bỗng dưng tay thổ địa cầm súng đi đầu đoàn ra hiệu cho mọi người dừng lại. Hắn xốc cây súng săn nhảy phắt qua một tảng đá lớn rồi dương súng bắn lên một cây to, tiếp tục nạp đạn bắn thêm một phát nữa. 2 con chim lớn trên cây lần lượt rơi xuống. Thế là đoàn hôm nay có món chim nướng rồi. Thật ra chủ trương của chúng tôi là chỉ bắn 1 -2 con chim để mọi người có cảm giác và thưởng thức thử món ăn nơi rừng núi, không có ý định tận diệt. Đoàn tiếp tục hành quân.

Cắm trại

Sau khoảng hơn 30 phút lội suối, chúng tôi tiến đến một tảng đá to có tán cây to che phủ và mọi người quyết định dừng chân ở đây. Chúng tôi vắt quần áo lên cây, tập kết túi xách balo vào một nơi an toàn. Bia, nước ngọt thì cho vào những bao xốp nilon ngâm vào nước suối lạnh. Bình nước lớn 5 lít thì cũng đặt ở một nơi mọi người có thể dễ dàng di chuyển đến uống.

Tôi phân công vài anh em đi thu gom những cành gỗ khô để làm củi đốt, 2 anh thổ địa có tài thiện xạ thì dùng dao vót vài cành cây tươi rồi đâm xiên qua 2 miếng thịt heo rừng chuẩn bị cho món heo rừng nướng. 2 con chim rừng mới bắn được cũng được nhổ lông sạch sẽ và xiên vào que sẵn sàng.

Thưởng thức hương vị đặc sản giữa núi rừng

Hôm nay, ngoài món thịt heo rừng nướng, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn 2 con vịt xiêm béo để làm món “vịt giả cầy”. Vịt được nhổ lông sạch sẽ. Lông thì ném vào đống lửa đang bắt cháy hừng hực để tiêu hủy. Sau đó tiếp tục dùng một cái chạc cây, treo cổ vịt lên để thui cho cháy hết lớp lông măng.

Tiếp tục dùng dao lọc những miếng thịt to để nướng, những phần còn lại được chặt nhỏ để làm món vịt giả cầy. Ngoài ra chúng tôi còn kiếm thêm được 2 con cá chình suối, cho vào làm món cá chình nướng xả ớt luôn. Quá tuyệt vời.

Công nhận con dao thủy quân lục chiến của tôi được phát huy tác dụng tối đa, vừa làm công cụ chặt những cành cây to làm củi, vừa vót nhọn các thân cây để nướng thịt, vừa dùng để cắt, chặt thức ăn. Nói chung là khá đa dụng.

Tắm suối

Trong thời gian chế biến thức ăn, tôi dẫn các anh chị em ra thưởng cái cảm giác tắm suối tuyệt vời. đúng là giữa trời nóng oi ả, nhảy xuống dòng nước mát lạnh thật là tuyệt vời

Sau khi tắm suối, bụng đói cồn cào, đó đúng là thời điểm chúng tôi thưởng thức những món ăn tuyệt vời giữa núi rừng hoang dã.

Thịt nướng nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, cộng thêm những lon bia lạnh ngắt vớt từ suối lên mang lại cảm giác thật tuyệt vời, khó có thể nào diễn tả nổi.

Cánh đàn ông chúng tôi thì vừa ăn uống vừa hò hét, vừa thích thú cái cảm giác tự do giữa núi rừng hoang dã, hơi men ngà ngà sau mấy tuần bia làm mọi người thêm phấn chấn. Những kinh nghiệm sinh tồn nơi hoang dã được chia sẻ. Cánh chị em thì cũng nhộn nhịp không kém với các món ăn tuyệt vời. Mọi người trước lạ sau quen, trước dè dặt sau náo nhiệt. tình cảm anh em cũng từ đó mà gắn kết thật chân thành.

Rút quân

Gần 4 giờ chiều, chúng tôi tranh thủ thu gom đồ đạc và rút quân khỏi suối Tà Rục lúc trời còn sáng.

Đường về cũng lắm phần thú vị. Những cánh đồng lúa, ngô của người dân tộc Raglai ở Cam Lâm trải dài ngút tầm mắt thật đẹp tuyệt vời

Share this:

  • Chia sẻ

Thích bài này:

Thích

Đang tải …

SHARE
+ Background: IT Engineer
+ Past: Pro. Internet Marketer | Brand Incident Risk Manager | Founder
+ Present: Invester & Trader